Translate

Wednesday 25 February 2015

Phá Mê Khai Ngộ: Cư sĩ Lê Sỹ Minh Tùng

Sunday 22 February 2015

Xuân Này Con Không Về....

Friday 1 November 2013

50 năm sau cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm

Kính Hòa, phóng viên RFA
 



TT Ngô Đình Diệm tại Washington DC tháng 8 năm 1957.
Courtesy U.S. Air Force

 Ngày 1 tháng 11 năm 1963, một nhóm tướng lãnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam thực hiện cuộc đảo chánh làm sụp đổ chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Kính Hòa hỏi chuyện một số nhân chứng của thời điểm ấy 50 năm sau.

Người lập ra nền đệ nhất cộng hòa

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày bùng nổ cuộc đảo chánh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa lật đổ vị Tổng thống của nền đệ nhất cộng hòa tại miền nam Việt Nam. Cuộc đảo chánh kết thúc đẫm máu với cái chết của ba anh em gia đình Tổng thống.
Hồi tưởng lại thời điểm 50 năm trước, nhà báo Trần Phong Vũ, vào thời điểm tháng 11 năm 1963 đang dạy học và làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn, hiện đã về hưu và sống ở miền Nam California:
“Thế hệ chúng tôi là những người di cư từ miền Bắc vào miền nam vào lúc đã trưởng thành lúc đất nước bị chia đôi, nếu anh theo dõi các cao trào của đám sinh viên di cư từ miền bắc vào rồi được giúp đỡ rất là nhiều để học hành trở lại, rồi về phía quần chúng đượcc ổn định trong một đời sống rất khó khăn khi bỏ hết tài sản ở miền Bắc, với con số cả triệu người. Tôi nghĩ là trong tâm thức của họ là những ý nghĩ rất tốt đối với vị Tổng thống đã lập ra nền đệ nhất cộng hòa ở miền Nam.”
Tổng thống Ngô Đình Diệm gắn bó rất nhiều với cộng đồng Công giáo di cư từ miền Bắc. Một người Công giáo khác là Linh mục Phạm Trung Thành, Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế TP HCM, vào thời điểm của cuộc đảo chánh hãy còn là một thiếu niên hồi tưởng về sự kiện ngày 1tháng 11 năm 1963,


TT Ngô Đình Diệm bắt tay với Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, tại sân bay Dulles, Washington DC năm 1957. Courtesy U.S. Air Force.

“Đó là ấn tượng tuổi thơ của tôi, lúc ấy tôi còn nhỏ mới học hết tiểu học. Gia đình rất là kính trọng và quý mến cố Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cha tôi là một công chức nhỏ trong chánh quyền. Các ấn tượng của tôi là suốt một thời gia dài chúng tôi rất hòa bình, sung túc và hạnh phúc. Khi nghe tin chế độ đệ nhất Cộng hòa bị sụp đổ, và Tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết chết, gia đình chúng tôi rất là đau lòng. Tôi còn nhớ là mẹ tôi cùng với vài chị em quen biết ngồi đọc kinh cho Tổng thống và khóc rất là nhiều. Lúc đó chúng tôi còn thơ trẻ nhưng có một ấn tượng là có một cái gì đó mất mát rất là lớn. Lúc lớn lên tôi cũng cảm nhận được sự mất mát đó. Tôi vẫn nhớ lại thủa sống bình an yên lành, những gì mà cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và những cộng sự xây dựng cho miền nam này.”
Sự tiếc thương đó của những người công giáo kéo dài cho đến 50 năm sau. Những buổi lễ tưởng niệm ngày mất của cố Tổng thống được các cộng đồng công giáo hải ngoại tổ chức hàng năm.

Phải tha thứ, phải cảm thông

Song cũng có những tiếng nói khác. Một viên chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, hiện sống ở Hoa Kỳ, không muốn nêu tên, thì lại nói rằng dù cái gì diễn ra đi nữa thì việc sử dụng Dụ số mười đối với cộng đồng Phật giáo như một sự kỳ thị vào nửa đầu năm 1963 là không thể chấp nhận, trong một quốc gia mà cộng đồng Phật giáo là đa số.
Ai làm gì thì thú thật tôi có đọc, có xem, có nghiên cứu nhưng tâm hồn của tôi thì tôi muốn nói rằng tôi phải tha thứ, phải cảm thông. 
-LM Phạm Trung Thành
Ông nói tiếp rằng những tranh cãi nhau về sự kiện này giữa những người Việt không cộng sản với nhau vẫn còn. Nhà báo Trần Phong Vũ nói về việc tranh cãi này:
“Chuyện tranh cãi ấy là có thật. Cái phản ứng đó cũng dễ hiểu thôi. Những người Việt Nam chúng ta không có dữ kiện trong tay một cách đầy đủ, rồi có thiên kiến, rồi cũng có khi do những quan điểm đấu tranh khác nhau mà dẫn tới việc tranh giành mọi thứ về phía mình rồi dẫn tới chuyện tranh cãi.”
Trong khi đó Linh Mục Phạm Trung Thành từ TP HCM nêu ý kiến của ông rằng nên tha thứ:
“Tôi không muốn quan tâm đến ai, hay những nguyên nhân nào đã làm hại Tổng thống. Dưới cái nhìn của một tu sĩ thì tôi cho rằng Tổng thống đã qua một con đường khổ giá cho sự yêu mến giáo hội, đất nước, dân tộc. Còn ai làm gì thì thú thật tôi có đọc, có xem, có nghiên cứu nhưng tâm hồn của tôi thì tôi muốn nói rằng tôi phải tha thứ, phải cảm thông. Tôi không thể có một nhận định nào nặng nề, tiêu cực về phía đó.”

Liệu lớp bụi thời gian 50 năm có làm tan đi được tranh cãi, khoảng cách nửa thế kỷ có làm cho sự cảm thông của Linh Mục Phạm Trung Thành lan tỏa!

Saturday 26 October 2013

Bão miền Trung trong thơ

Mặc Lâm, biên tập viên RFA



Cơn bão số 10 gây thiệt hại nặng các tỉnh miền Trung cuối tháng 9 vừa qua, ảnh chụp tại Hà Tĩnh hôm 30/9/2013. AFP

Việt Nam có thể tự hào là được thiên nhiên ưu đãi trên nhiều phương diện, lúa gạo miền nam cò bay thẳng cánh, tài nguyên mỏ miền Bắc phong phú, dồi dào. Bờ biển chạy dài cả nước, đặc biệt là miền Trung với nguồn lợi thủy sản to lớn đã nuôi sống hằng triệu người. Bên cạnh đó, cảnh quan của Biển đã giúp nhiều địa phương thay mặt đổi tên vươn ra với thế giới du lịch biển một cách tự tin qua nhiều thập kỷ.
Thế nhưng thiên nhiên cũng lấy lại khá nhiều những gì nó đã ban tặng.
Duyên hải miền Trung với bờ biển có thể xem là tuyệt vời ấy mỗi năm vài lần, thần bão từ Biển Đông tràn vào tàn phá hủy hoại khuôn mặt của nhiều thành phố. Con người tan tác chạy trốn. Tài sản trôi theo dòng nước đục ngầu ra biển. Người miền Trung hơn ai hết thấm sâu cái rét của những ngày bão tới. Lũ trên rừng tràn xuống, bão ngoài biển thổi vào… con người nghiêng ngã như cây tre mỏng manh trước bão chỉ có thể giải thích bằng hai từ “kỳ diệu”. Mỗi lần bão lũ là một lần kỳ diệu. Sự kỳ diệu ấy là đặc ân mà thượng đế hào phóng ban cho sau khi cũng hào phóng gửi bão lũ tới nhiều vùng nghèo nàn nhất miền Trung xơ xác.
Những vùng đất còi cọc ấy xơ xác thêm sau những cơn bão đã gượng dậy và tiếp tục sống một cách chai lỳ. Con người gửi thông điệp tới thượng đế rằng họ không đầu hàng, không bỏ chạy trước sức mạnh kinh hoàng của thiên nhiên, mặc dù sự sợ hãi chưa bao giờ biến mất trong từng con người tại những vùng đất đầy tai ương bão tố.
Có lẽ sợ hãi, khổ đau, đói khát và rét mướt được hiểu nhiều hơn qua những bài thơ viết về bão lũ. Những bài thơ nói về nỗi đau mất mát có khả năng chia sẻ phần nào những tan vỡ từ nước, từ lũ mỗi năm vài lần nhấn chìm những đời sống bất hạnh vào sự sợ hãi lâu dần đã trở thành chai sạn.
Những chiếc thuyền nan mỏng manh gắng gượng giữa một màn mưa trắng trời, những căn nhà trôi bất định mang theo trên nóc người mẹ già và con chó nhỏ. Những thùng mì gói hiếm hoi làm cho mắt người nhận sáng lên như được cứu sống và những đôi tay bé tí chòi ra dưới mái lá tơi tả là niềm rung động của những bài thơ viết về lũ, đặc biệt lũ miền Trung nơi không ai còn lạ với nó nhưng không bao giờ có thể sống chung cùng nó mà không chịu đớn đau đôi khi đến tàn khốc.


Nhà sập tại thành phố Đà Nẵng sau cơn bão số 11. Ảnh chụp sáng 15/10/2013. AFP photo

Người miền Trung nhận chịu bất hạnh cho cả nước, và cả nước nhìn về miền Trung như khúc ruột của mình đang bị dày vò.
Những bài thơ thay cho tiếng khóc được gửi về đồng bào đói lạnh có thể không hay khi soi rọi dưới lăng kính văn chương nhưng khó thề nói rằng cung bậc rung động của nó không làm cho người đọc chấm dứt sự dửng dưng với những gì chất chứa trong ấy.
Bài thơ “Miền Trung” dưới cách viết của Đuyên Hồng có lẽ gần như trọn vẹn qua cái nhìn xuyên bão. Bài thơ như lời kinh vang vang những điệp khúc tan nát mà người miền Trung phải nhận:

Miền Trung

Miền Trung
Oằn lưng mình gánh bao trận bão.
Miền Trung 
Đau thắt lưng một dải đất chập chùng lũ lụt 
Nắng mùa hè cháy bỏng triền gió cát 
Nơi mùa mưa nát đất sầy đường 
Nơi hạt cơm cũng đượm cả gió sương 
Những cô bé tóc vàng hoe sạm nắng 
Những cậu con trai gẫy nhẵng nước da nâu 

Khổ đau thấm sâu vào đất ấy từ lâu 
Miền Trung gánh hai đầu châu thổ 
Bắc Nam đôi vựa thóc quê nhà 
Miền Trung uốn mình nên dáng Đất Mẹ thướt tha 
Miền Trung 
Mịt mù gió lào 
Bập bùng nắng lửa 

Miền Trung 
Lũ trôi sông lở 
Vàng võ da người 
Trắng hạt muối biển khơi 
Miền Trung 
Sướng ít khổ nhiều 
Miền Trung 
Tan hoang trong mưa bão 

Nước mắt người miền Trung 
Cay như quả ớt chỉ thiên 
Dành dụm từng đồng tiền 
Mẹ hiền 
Lưng còng vai sả 
Quanh năm ra vào gốc rạ vườn cau 
Những người cha 
Tuổi tứ tuần bạc tóc từ lâu 
Hằn trên khuôn mặt nhàu 
Những nếp nhăn nhiều hơn sóng biển 

Miền Trung 
Cơn lụt vừa qua 
Bão xa lại đến 
Làng chài trắng khăn 
Những người vợ ngày đêm mong thuyền chồng cập bến 
Biển dịu êm như nồi cơm 
Bỗng nổi cơn cuồng nộ 
Xác người xấu số 
Không mồ chôn thân…

Hình ảnh lũ lụt gây ám ảnh mạnh đến nỗi ngồi tại Sài Gòn hay một thành phố nào khác chứng kiến những ăn chơi phù phiếm, những phung phí gần như tội ác, nhà thơ Nguyên Thạch cảm nhận gần như trọn vẹn khung cảnh trái ngược nhau đến não lòng ấy và viết lên bài Tôi đã thấy, một chứng nhân, một tấm kính chiếu yêu soi rọi sự vô cảm của một hạng người:

Tôi Đã Thấy

Tôi đã thấy những bàn tay gầy yếu 
của em thơ và của những cụ già 
ngón run run vạch mái lá thò ra 
xin trợ giúp những phần quà mì gói.

Tôi chứng kiến... những bà mẹ mang bầu, bụng đói 
lặp cặp lạnh run trong tiếng nói vô thần 
Tôi đã làm những gì có thể làm để chia sẻ với người dân 
tình hải ngoại... mối ân cần, xa vạn dặm. 

Lũ tràn về miền Trung
gây tang thương lắm 
lũ hoành hành 
lũ ngập cả trời quê. 
Lũ chặn tương lai
lũ chắn cả lối về...
Lũ vô cảm mãi mê trong tham vọng. 

Tôi đã thấy cũng như tôi đã sống 
kiếp nhọc nhằn vô vọng của dân đen
lối tương lai như ngõ tối không đèn 
đường nô bộc, dần quen đời trâu ngựa!.

Tôi cũng thấy, nơi thị thành, quán bar, nhà chứa 
những thằng tham quan 
những đứa lộng hành 
bày vẽ cuộc chơi... gái trẻ lầu xanh 
còn trẻ lắm, học hành chưa hết lớp.

Khách sạn bốn năm sao, rượu bia choáng ngợp 
chúng thi nhau vung vãi đổ trên đầu 
đèn phố rực chưng 
mờ dấu những vùng sâu
miền Trung đó đục ngầu con nước cuộn. 

Biến cố tai ương chỉ dân nghèo đùm bọc 
chắt chiu san sẻ từng nắm thóc cọng rau 
trong khi những thằng quan thì xe xanh, xe đỏ, gái đẹp... kín rào 
lộng lẫy biệt thư 
mặc niềm đau đồng loại. 

Tôi đã thấy cùng muôn ngàn điều muốn nói 
đời lang thang, dân đói cả ba miền
uống máu của dân, quan các cấp sống như tiên
vàng thành khối gởi tiền ra ngoại quốc. 

Dòng đời trôi, dân nghèo lê chân đất 
bọn nhà quan thì no giấc chăn lành 
lũ tràn về cuốn thóc lúa lẫn chòi tranh 
Việt Nam hỡi
Trời hành thêm oan nghiệt.
Cũng trong cái thấy những gì đang xảy ra gữa trùng trùng sóng nước ấy, Mặc Giang đưa ra những hình ảnh gần gũi hơn với sự lạnh lẽo, co ro, đói thảm thê của nạn nhân bão lũ:


Một cây Sưa bị đổ do bão tại Đà Nẵng, ảnh chụp tháng 10 năm 2013. RFA PHOTO.

Miền Trung, tôi thấy rồi em!


Tôi thấy rồi em
Nước tràn bờ lênh láng
Tôi nghe rồi em
Cả biển nước mênh mông
Nước nuốt mất ruộng đồng
Nước cuốn trôi phố thị
Kia, người mẹ, tay bồng tay bế
Nọ, cụ già, túi rách đeo vai
Đó, con thơ, nước mắt lăn dài
Đây, vợ hiền, khóc chồng tang trắng
Đeo một mớ bùi nhùi, di tản lên nơi cao, ngậm đắng nuốt cay
Mang một mớ tạp nham, bỏ của cải thoát thân, 
Khốn cùng, đã trắng hai tay
Lại càng tay trắng, đọa đày trầm kha
Vách phên, tạm gọi là nhà
Cuốn trôi sạch bách, cửa nhà còn chi
Gia tài, cơm gạo hẩm thiu
Quăng vào biển nước, tiêu điều xác xơ
Chút cứu trợ, dăm ba gói mì, với vài “lon”, húp cháo
Chút lòng vàng, tiếng an tiếng ủi, riêng thân phận đói nghèo
Từ nay, mang cả mốc meo
Tay gồng tay gánh leo trèo sơn khê
Là dân đất Quảng, Nguyên Thạch thấm nỗi nhớ miền Trung hơn ai hết vì nơi ấy có mẹ, có em, và nhất là có cha làm nghề ra biển. Bài thơ Mùa Bão biển của anh cảm động như một bản nhạc buồn, đầy tiếng thở dài cùng nước mắt. Sóng vỗ tới đâu nước mắt rơi tới đó.

Mùa Bão Biển

Con không về thăm quê mẹ chiều nay
Mùa bão nổi thuyền xa chưa cập bến
Đất Quảng đầy trời giông tố nổi lên
Cơn sóng dữ nghiền nát bờ cát mẹ

Con lo quá hàng phi lao chắn cát
Có còn không khi con lại trở về
Xin bão tố đừng giẫm dày xé nát
Chút bình yên lẩn khuất giữa hồn quê

Con không về thăm quê mẹ chiều nay
Mùa bão nổi cha chưa về hả mẹ
Đi biển bao ngày cha ơi đừng đi mãi
Để mồ côi cả nỗi nhớ trong con
Con thương quá thuyền cha mong manh lắm
Làm sao qua cơn bão cấp mười hai
Nghe đài báo miền trung cơn bão biển
Nghe tim mình như rụng xót triền miên
Con không về thăm quê mẹ chiều nay
Xin thức trắng nguyện cầu trong đêm bão
Nguyễn Đặng Mừng sâu hơn, thấm nỗi đau lịch sử với công nương Ngọc Vạn, bỏ một thời xuân sắc vì tương lai, hưng thịnh của nước nhà. Trong bài thơ Mắt Huyền Trân Nguyễn Đặng Mừng đã dẫn người đọc về một không gian xa xưa để thấy rằng dù có đau, có sợ bão lũ trăm bề thì người xứ Quảng cũng không thể bỏ quê vì những tự tình ngàn năm còn đó qua lăng tẩm, mả mồ.

Mắt Huyền Trân

Ra quê gặp lúc trời mưa bão
Cụng trán người xưa tiếng sấm rền
Nửa đêm giật mình tưởng bom nổ
Quê hiền ếch nhái kêu buồn tênh

Xưa bom đạn xé chừ giông bão
Ngập ngụa đời nhau lổ mội tràn
Mạ kêu trời ơi cơn mưa át
Cha ngâm mình níu một tàn nhang

Gân guốc mặt cha dây thừng cột
Nước mắt mạ khô chỗ em nằm
Dùng dằng ở đi mần răng được
Lăng mộ cha ông từ trăm năm

Chỗ eo ai cột quê mình lại
Ngọc Vạn – Phương Nam – bão xứ Tần
Đất bạc sự đời trôi ra biển
Hoàng Sa gió tạt mắt Huyền Trân.
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai tuy xa quê từ lâu nhưng nỗi nhớ thương đối với miền Trung trong mùa bão lũ hình như không lúc nào phai nhạt. Bài thơ như một khúc phim chiếu trước từng mắt nhìn những chi tiết mà một vụ lũ lụt vẫn thường xảy ra trong tâm trí nhà thơ từ khi thơ dại. Không phải là những đêm xum họp gia đình, những buổi sáng thức dậy thấy bình minh ruộm nắng. Khung cảnh thanh bình yên ả ấy đang bị cuộc chiến chống bão lũ cướp đi. Quế Mai nhẹ nhàng viết nhưng phía sau những hình ảnh chuẩn bị nao lòng ấy là đen tối căm căm của thời khắc tàn phá sắp tới.

Mùa Bão lũ

Mùa bão lũ
Cha chống lại căn nhà
gió tốc liêu xiêu
Mẹ xốc lại đôi quang gánh
quằn nặng nỗi lo
Con thu mình co ro
giấc mơ sũng ướt

Mùa bão lũ
Nhòa ranh giới giữa trời và nước
Bà run run ôm kỷ vật
nước chạy theo chân
Ông đau đáu đăm đăm
con trai mình vẫn ở trên tàu đánh cá

Mùa bão lũ
Em đi học đôi chân trượt ngã
sách vở nhòe nước mắt nước mưa
Cô gầy hơn trong tiếng giảng bài trưa

Mùa bão lũ
Thuyền xoay như lá
Mạng người là cỏ
Nhà cửa là rơm
Miếng cơm
trộn với bùn và nước
Bài thơ buồn và sũng nước của Nguyễn Phan Quế Mai được nhạc sĩ Quỳnh Hợp nhanh chóng phổ thơ với cung bậc và tiết tấu của bão bùng, lặng ngắt. Bài hát dù vang lên trong căn phòng ấm áp của người thành phố vẫn có khả năng dẫn suy tư của người nghe về một nơi chốn khác. Nơi mà con người miền Trung đang lặn hụp giữa nỗi đau tang chế cứ lập đi lập lại hàng năm như một bản án truyền kiếp không bao giờ trả hết.


Thursday 24 October 2013

Khi lịch sử được viết theo ý Đảng

Thanh Quang, phóng viên RFA






CT Hồ Chí Minh (thứ 2 từ phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trên, trái) bàn về một chiến dịch quân sự ở Việt Nam vào năm 1950
AFP photo
Tình trạng học sinh VN hiện nay “quay lưng với môn Sử” hẳn là điều không những đáng buồn mà còn tai hại vì, theo nhận xét của TS Sử học Nguyễn Văn Khoan thuộc Hội Khoa học Lịch sử VN, “Không biết lịch sử dân tộc, không biết lịch sử đất nước mình thì tất yếu sẽ không biết được niềm tự hào đất nước, tự hào dân tộc là gì. Học Lịch sử là để học tinh thần yêu nước, mà tinh thần yêu nước là động lực quan trọng nhất để bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Nhưng câu hỏi được nêu lên là nếu lịch sử dân tộc, lịch sử đất nước bị bóp méo hay bị xóa sổ thì sao?

Không thể viết lại quá khứ

Qua bài “Bàn về tẩy não”, blogger Trần Trung Đạo lưu ý rằng “Lịch sử một dân tộc được viết bằng sử quan của đảng CS và được giải thích phù hợp với đường lối, chính sách của đảng CS trong từng thời kỳ chứ không phải là những sự kiện đã diễn ra trong quá khứ thăng trầm, vinh quang và thống khổ của dân tộc”, và “Đảng không chỉ có khả năng thay đổi hiện tại, vẽ ra một tương lai nhưng còn có khả năng thay đổi cả quá khứ của cả dân tộc”.
Sử gia Trần Gia Phụng từ Toronto, Canada khẳng định rằng hai câu viết này của nhà văn Trần Trung Đạo “hoàn toàn đúng với thực tế”. Theo Sử gia Trần Gia Phụng thì “những người viết sử của đảng CSVN luôn luôn sửa lại quá khứ một cách trắng trợn cho phù hợp với chủ trương đường lối của đảng trong từng giai đoạn, nhằm luôn luôn giành lẽ phải và chính nghĩa về cho đảng CSVN”; và ông nhấn mạnh:
Tôi xin nhấn mạnh là mọi người có thể thay đổi tương lai, nhưng không một ai có thể sửa đổi quá khứ. Lịch sử là những câu chuyện của con người đã xảy ra trong quá khứ. Khi con người đã “in dấu” trong quá khứ, thì không thể kéo quá khứ trở lại để tẩy xóa dấu in, tẩy xóa quá khứ.  Cộng sản có thể nhất thời làm nhiễu xạ quá khứ, nhiễu xạ lịch sử nhưng không thể nào thủ tiêu quá khứ, thủ tiêu lịch sử. Ví dụ cụ thể là mấy chục năm nay, những nhà viết sử CS ra công tô son điểm phấn cho lãnh tụ của họ là Hồ Chí Minh, nào là ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, nào là cuộc sống độc thân giản dị, nào là  Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh…

Đảng không chỉ có khả năng thay đổi hiện tại, vẽ ra một tương lai nhưng còn có khả năng thay đổi cả quá khứ của cả dân tộc
- Blogger Trần Trung Đạo

Thực tế cho thấy năm 1911, khi đến đất Pháp được hai tháng, Hồ Chí Minh xin vào học trường Thuộc Địa Paris để ra làm quan cho Pháp, đơn xin nhập học còn sờ sờ ra đó.  Vậy là ông ta ra đi để mưu sinh chứ không phải ra đi tìm đường cứu nước. Hồ Chí Minh là một điệp viên CSQT, tranh đấu không phải để giải phóng dân tộc mà để đưa dân tộc vào vòng chủ nghĩa CS, làm tay sai cho CSQT.  Hồ Chí Minh vợ con đùm đề, lại còn tàn bạo giết luôn bà Nông Thị Xuân là người đã sinh cho ông ta một người con trai, sao gọi là sống độc thân được?  Hồ Chí Minh không bao giờ được UNESCO vinh danh, như mấy vị giáo sư CS ca ngợi. Ví dụ còn nhiều lắm kể không thể hết…
Theo nhà văn Trần Trung Đạo thì “Lịch sử thế giới chỉ riêng từ thế chiến thứ hai cho đến nay có nhiều anh hùng đã đóng góp trí tuệ hay máu xương vào công cuộc bảo vệ tự do cho đất nước họ hay giải phóng dân tộc họ khỏi ách thực dân. Vài trường hợp điển hình như Mahatma Gandhi (Ấn Độ), Winston Churchill (Anh), Charles de Gaulle (Pháp), Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa Dân Quốc), Franklin D. Roosevelt (Mỹ). Nhưng khi họ qua đời, ngoài tang quyến, không có cảnh ‘Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa’ như khi  ông Hồ Chí Minh mất và ‘ôm thật chặt cột nhà khóc cho thỏa nỗi xót thương’ như khi ông Võ Nguyên Giáp vừa qua đời ở Việt Nam. Bởi vì những lãnh đạo thế giới nêu trên là những anh hùng thật, con người thật, có thành công và thất bại, có điểm tốt và điểm xấu và cuộc đời họ được phô bày trước dư luận chứ không phải là sản phẩm do nhà máy tuyên truyền sản xuất trong một xã hội bị bưng bít thông tin”.
Đó là chuyện viết sử “theo sử quan của đảng”. Thế còn chuyện “phớt lờ lịch sử” hay “xóa sổ lịch sử” thì sao?

Im lặng trước những sự kiện trọng đại

Trong thời gian gần đây, công luận trong và ngòai nước cảnh báo về việc hiện ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền VN cùng giới truyền thông nhà nước hầu như im lặng trước những biến cố lịch sử trọng đại, như không còn công khai kỷ niệm ngày Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh mà biến ngày đại thắng ấy thành ngày “trẩy hội Xuân” bình thường; thậm chí bia tưởng niệm công lao của Vua Quang Trung ở núi Dũng Quyết (Vinh, Nghệ An) cũng bị đục bỏ.
Rồi họ cũng lờ đi những thời điểm kỷ niệm các bộ đội VN hy sinh trong cuộc chiến đẫm máu chống quân TQ xâm lược tại vùng biên giới Việt-Hoa hồi năm 1979, trong cuộc chiến bảo vệ Hòang Sa chống TQ hồi năm 1974 khiến nhiều chiến sĩ VNCH tử vong, hay trong cuộc hy sinh khiến máu đào nhuộm đỏ biển Đông của hải quân VN ra sức bảo vệ đảo Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988.


Ông Nguyễn Tất Thành (HCM) tại Pháp năm 1920. AFP photo

Thậm chí các vị học giả, trí thức, thanh niên yêu nước ra sức dâng hương, vòng hoa tưởng niệm những người đã hy sinh vì chống phương Bắc xâm lược cũng bị công an ngăn cản, gây khó khăn…Từ Hà Nội, GS Nguyễn Thanh Giang lên tiếng về chuyện “ phớt lờ lịch sử” này:
Lịch sử là những câu chuyện của con người đã xảy ra trong quá khứ. Khi con người đã “in dấu” trong quá khứ, thì không thể kéo quá khứ trở lại để tẩy xóa dấu in, tẩy xóa quá khứ.
- Sử gia Trần Gia Phụng 

Những sự việc ông dẫn ra là sự việc có thật. Và điều đó làm cho nhiều người VN bây giờ rất bất mãn đối với những người lãnh đạo đảng CSVN…Nguy cơ hàng đầu đối với VN bây giờ là nguy cơ bị TQ xâm lấn và đặt ách đô hộ VN –ách đô hộ mềm, tức là thông qua điều lừa gạt gọi là ý thức hệ. Cho nên người dân VN bây giờ nói chung, mà lại càng những người trí thức hay những người từng đi làm cách mạng, mối băn khoăn và âu lo nhất của họ hiện giờ là sự xâm lấn, sự đô hộ của TQ. Nhưng người lãnh đạo đảng CSVN không nhìn thấy điều đó, và vẫn âm mưu xóa nhòa thực tế phũ phàng cùng sự lừa bịp của TQ.
GS Hà Văn Thịnh từ Huế cho rằng:
Đó là do cái chính sách ngọai giao “mềm dẻo, không nên kích động hận thù, xóa bỏ quá khứ, nhìn về tương lai”.v.v… Hiện nay, VN thể hiện quan hệ với TQ, theo tôi nghĩ, nó đi quá xa, bởi vì là bạn hay trên bạn hoặc dưới bạn một chút thì nguyên tắc vẫn là VN phải giữ vững độc lập, tự do. Còn chừng nào mà TQ còn chiếm đất của mình, chiếm biển, chiếm đảo của mình rồi hành hạ ngư dân mình, ngang tàng phách lối mời gọi đấu thầu dầu ở biển Đông v.v…, thì đó không phải là bạn.

Không biết nhận lỗi

Vừa rồi chỉ là một số biến cố lịch sử gần đây nhất bị “bỏ quên”. Còn nếu ngược dòng thời gian, thì người dân Việt hẳn còn nhớ vụ thảm sát Mậu Thân khiến nhà văn Nhã Ca có bài “Giải Khăn Sô Cho Huế” để “cùng nhau chít lại giải khăn sô, đốt lại nén hương nhỏ trong đêm tối mênh mông của chiến tranh và tang tóc, để hồi tưởng về Huế” – biến cố bị giới cầm quyền chối bỏ trách nhiệm; Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tranh đấu cho tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc khởi xướng đầu năm 1955 đã chính thức bị dập tắt hồi tháng 6 năm 1958 - và từ đó cho tới giờ, giới cầm quyền hòan tòan “xóa sổ” biến cố lịch sử này. Rồi vô số đồng bào bị chết oan trong cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc hồi thập niên 1950 nhưng thân nhân không được dựng bia tưởng niệm…
Sử gia Trần Gia Phụng nhận xét về những biến cố này:
Trong thực tế, đảng CSVN chỉ xin lỗi một lần năm 1956 sau vụ Cải cách ruộng đất, nhưng đây chỉ là xin lỗi chiếu lệ để thoát tội trước phản ứng mạnh mẽ của dân chúng. Làm sao mà xin lỗi trên 170,000 người chết oan? 
- Sử gia Trần Gia Phụng

Trong thực tế, đảng CSVN chỉ xin lỗi một lần năm 1956 sau vụ Cải cách ruộng đất, nhưng đây chỉ là xin lỗi chiếu lệ để thoát tội trước phản ứng mạnh mẽ của dân chúng. Làm sao mà xin lỗi trên 170,000 người chết oan? Cũng nên chú ý vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Đảng CS mới cầm quyền ở các thành phố miền Bắc sau năm 1954, chưa ổn định được xã hội, còn lo ngại các thế lực còn lại, và nhất là đảng CS đang kiếm cách tổng tuyển cử với miền Nam sau hiệp định Geneve, nên mới giao cho Võ Nguyên Giáp đứng ra xin lỗi, vì lúc đó ông tướng nầy còn mang những hào quang chiến thắng.
Tôi nói xin lỗi chiếu lệ vì một khi xin lỗi, nghĩa là thấy ra lỗi thì phải hối lỗi, phải cải cách. Đàng nầy đảng CS đạt được mục đích áp đặt nền nông nghiệp chỉ huy, cướp hết đất đai dân chúng, rồi lùa dân chúng vào hợp tác xã, CS có sửa đổi gì đâu? Ngoài ra, CSVN không bao giờ xin lỗi vụ Nhân Văn Gia Phẩm, vụ Mậu Thân Huế. Để xóa sổ những tội ác trong CCRĐ, Nhân văn Giai phẩm, Mậu Thân Huế, thì CS bóp méo sự thật lịch sử, viết lại có bài bản làm cho người ta lầm tưởng là thật, nhưng dù làm cách gì đi nữa thì cũng không thể xóa được tội ác của CS. Ví dụ CCRĐ tàn bạo như thế, được các nhà viết sử CS sửa lại là thành công được bao nhiêu hợp tác xã, được bao nhiêu sản lượng thực phẩm …  Còn vụ Mậu Thân thì CS sửa đổi một cách trắng trợn, mà vụ mới nhất là có một nhà đạo diễn CS làm lại cuốn phim Mậu Thân bị nhiều người đả kích.  Tội ác của CS luôn luôn còn đó. “Trăm năm bia đá thì mòn / Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Có một biến cố lịch sử nữa liên quan thảm cảnh thuyền nhân VN tại biển Đông cũng bị nhà cầm quyền VN ra sức xóa sổ.  Trong số mấy triệu người dân Việt bỏ nước ra đi tìm tự do sau khi Saigòn thất thủ hồi năm 1975, khỏang nửa triệu người trong số này đã nằm lại vĩnh viễn ở biển cả, rừng sâu núi thẳm hay gởi nắm xương tàn tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Nhưng rồi hai tấm bia tại đảo Bidong ở Malaysia và đảo Galang tại Indonesia do Văn Khố Thuyền Nhân VN thiết lập để tưởng niệm thuyền nhân bỏ mình trên đường tìm tự do, để tri ân Cao Ủy Tỵ nạn LHQ cùng các nước sở tại đã cưu mang họ một thời, cũng bị Hà Nội vận động Malaysia và Indonesia “xóa sổ lịch sử”. Một cựu thuyền nhân VN nhận xét:
Chuyện này hết sức vô nhân đạo, vì mồ mả của những ngườiđi tìm tự do không may nằm lại rất đáng kỷ niệm. Nhiều khi gia đình nào cũng đều bị thiệt hại trong chuyến đi: Có người thì con chết, người thì vợ chết, thậm chí có trường hợp chết cả gia đình. Thì chuyện tưởng niệm thuyền nhân là việc nên làm, và là chuyện đương nhiên rồi. Bây giờ Việt Nam không cho tưởng niệm đó là quá vô nhân đạo.”
Đó là chưa kể trại tỵ nạn cũ của thuyền nhân tại Galang cũng bị VN áp lực Jakarta “xóa sổ”, khiến bà Nada Faza Soraya, Chánh Sự Vụ Phòng Thương Mại Batam của Indonesia phản ứng rằng, “địa điểm này hòan tòan có giá trị lịch sử và nhân đạo”.


Wednesday 9 October 2013

siêu lợi nhuận từ thực phẩm Trung Quốc

Siêu thịt, siêu lợi nhuận từ thực phẩm Trung Quốc


 Nhóm phóng viên từ VN





Thịt heo siêu nạt bán tại một chợ ở Sài Gòn, ảnh chụp trước đây.
RFA PHOTO

Các mặt hàng nhu yếu phẩm và các loại thực phẩm tươi như thịt, cá, tôm, trái cây, rau xanh… đặc biệt là thịt heo siêu nạc và thịt gà, vịt siêu thịt đã hoàn toàn bị ô nhiễm Trung Quốc. Không thể nói khác đi được theo các cụm từ như “bị Trung Quốc hóa”, hay là “bị ảnh hưởng Trung Quốc” như trước đây nữa. Vấn đề hiện tại đã vượt mức báo động đỏ về an toàn thực phẩm khi mà các công ty chế biết thức ăn gia súc, gia cầm và các công ty chế biến thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc đã ngang nhiên hoạt động ở Việt Nam.

Gia súc, gia cầm nhiễm độc TQ

Một người làm chủ trại chăn nuôi ở Hòa Cầm, Đà Nẵng đã thú thật với chúng tôi là ông nhiều lần định bỏ nghề chăn nuôi, vì nhiều lý do, trong đó thực phẩm gia súc giá tăng quá nhanh làm ông thua lỗ vẫn là lý do chính. Thế rồi vài năm trở lại đây, khi các hãng bột thức ăn gia súc của Trung Quốc có mặt tại miền Trung, giá thành bột của các hãng này khá rẻ nhưng hiệu dụng của nó thì vô cùng bất ngờ. Nó giúp ông kéo ngắn thời gian nuôi heo từ chín tháng hoặc một năm xuống còn chưa đây ba tháng, mà chất lượng thịt heo cũng chỉ có nạc và nạc chứ không bị nhiều mỡ như trước đây.
Ông này nói thêm là ông vẫn hoài nghi trong thức ăn gia súc của các hãng Trung Quốc có chứa phóng xạ nhưng chưa biết cụ thể là phóng xạ loại gì, vì thường thì các loại phóng xạ hay làm cho súc vật ăn phải, nhiễm phải bị biến đổi cấu trúc gen, có độ phát triển khác thường và mau chết. Bằng chứng của hiện tượng biến đổi gen trong súc vật là nếu như trước đây, ông nuôi heo với chín tháng, mười tháng mà không bán được thì con heo sẽ dừng lại ở độ lớn này và giảm dần mỡ trong cơ thể, nuôi càng lâu thịt nạc càng nhiều. Còn bây giờ, với bột thức ăn Trung Quốc, trong vòng ba tháng, con heo đã phát triển lên đến hàng trăm ký lô nhưng nếu quá ba tháng mà không bán kịp thì heo sẽ bị nứt da, chảy mỡ ra ngoài vì thể tạng của nó đến đó thì dừng mà lượng thịt trong cơ thể nó vẫn phình to ra.


Gia cầm bán tại một chợ ở TPHCM, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.
Ông từng chứng kiến cảnh con heo trong chuồng bị nứt da, chãy mỡ, sau đó lòi cả phần cơ ra ngoài rồi chết vì chưa kịp tiêu thụ. Ban đầu ông ngỡ là heo nhà ông bị bệnh, nhưng sau vài lần như thế, ông nhận ra là do nó phát triển quá nhanh, đến khi đạt trọng lượng chuẩn thì các tế bào thịt vẫn cứ sinh ra khiến cho bộ phận da bọc bên ngoài bị nứt chứ con heo không hề bệnh tật gì vì nó vẫn ăn uống bình thường.
Một người tên Hồng, chủ trại chăn nuôi gia cầm ở Cẩm Lệ, Đà Nẵng, cũng tiết lộ với chúng tôi rằng muốn có siêu lợi nhuận, bắt buộc phải nuôi bằng bột thức ăn gia súc, thậm chí mua các giống gà, vịt siêu thịt do Trung Quốc đưa sang. Tuy không rõ tên các giống gà, vịt này vì tùy vào mỗi người bỏ mối gọi một cái tên khác nhau, nhưng chung qui, chúng có lông màu trắng toàn bộ, không lai bất kì màu nào khác và khi nuôi, chúng hoàn toàn không quậy phá, sống đời sống thực vật nhiều hơn động vật. Có nghĩa là suốt ngày đứng ủ rũ và ngủ, đến khi đói lại ăn, ăn xong lại ngủ. Nếu kết hợp giống gà Trung Quốc với bột cám Trung Quốc, chỉ tốn đúng 30 ngày, từ một con gà con chưa bằng nửa nắm tay sẽ cho ra con gà nặng gần ba ký lô. Nếu như gà Việt Nam thuần chủng, cho ăn gạo, lúa, bắp thì ít nhất cũng phải tốn một năm trời mới cho ra trọng lượng này.
Ông chủ trại chăn nuôi gia cầm tiết lộ thêm là thịt gia cầm loại này đang chiếm chừng 95% trên thị trường cả nước, chẳng riêng gì tỉnh nào. Số thịt gà còn lại 5% theo ông dự đoán là gia cầm thả vườn đó chắc cũng hiếm có con  vật nào được cho ăn lúa, gạo theo cách truyền thống mà cũng chỉ là gà, vịt Việt Nam cho ăn thực phẩm Trung Quốc. Nến chi, việc tìm ra thịt gia cầm thuần Việt có vẻ như quá hiếm hoi.

Trái cây, rau xanh nhiễm độc TQ



Rau xanh bán tại một chợ ở Sài Gòn, ảnh chụp trước đây. RFA PHOTO.
Một nông dân tên Bá Thanh, người Hòa Cầm, Đà Nẵng, buồn bã nói với chúng tôi: “Heo siêu thịt giờ anh nuôi 3 tháng mà anh không bán là anh phải dụt, chứ hồi xưa anh nuôi một năm cũng chưa được như vậy. Là vì chất kích thích, trong cái thuốc đó, cái thời gian lưu hành tới một cái mức độ như thế.  Anh phải xuất chuồng, cơ thể nó hết chỗ chứa rồi, nếu không cái lớp da nó hết chỗ chứa rồi, nếu không xuất nó sẽ nứt da, chảy mỡ. Vấn đề bây giờ nó ghê rứa. Trong cái thức ăn gia súc đã có thuốc tăng trưởng. Mà mấy cái thức ăn này là ở đâu? Là của mấy công ty Trung Quốc. Những cái vi sinh học đó, nói chung là cái bí quyết của họ. Họ giấu mình, họ không nói ra ngoài! Họ có nói với mình họ nói thế này thế nọ, chứ thực tế họ qua một lượng thuốc vi sinh như thế, tức là thuốc kích thích tăng trưởng trong thức ăn gia súc, con heo mình sẽ lớn nhanh, đúng ra con heo mình có nạc có mỡ, nhưng thuốc này vào nó sẽ triệt tiêu mỡ, chỉ tăng trưởng nạc, đây là cái bí quyết!”
Ông Bá Thanh tiết lộ thêm là hiện nay, các loại trái cây như khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng, bí đao và một số rau như cải xanh, dền đỏ, bù ngót đều nhiễm độc Trung Quốc rất nặng. Đặc biệt, trái khổ qua, khi nhà buôn đến vườn để mua về, trọng lượng nó chỉ từ một đến hai lạng, nhưng tối hôm đó, nhà buôn ngâm trái cây vào vại nước có pha chất bột màu hồng do Trung Quốc bán, đến sáng hôm sau, vại nước gần như cạn khô vì những trái khổ qua nở ra đầy vại, da bóng mẩy, nhìn rất hấp dẫn. Nếu mang ra cân thử, trọng lượng của nó sẽ tăng gấp ba lần so với ngày hôm trước.
Với rau xanh thì những loại hạt cải có xuất xứ không rõ, được bán ở nhiều cửa hàng bán hạt giống, khi mua về, chỉ cần trộn thêm một loại dung dịch màu hồng có bán kèm, sau đó gieo hạt cải lên đất cát hoặc đất thịt bình thường, tưới nước, chỉ cần hai ngày sau đã có cải mầm xanh tốt, và hơn một tuần sau thì đã có vạt cải xanh rì để bán ra thị trường. Tốc độ phát triển của cây cải tăng gấp bốn lần bình thường. Có một điểm dễ nhận biết loại rau cải sản xuất theo qui trình này là chúng rất mau nhũn khi ngâm nước, nếu rửa sạch để vào tủ lạnh, chỉ trong vòng hai ngày đã bị nhũn, bốc mùi mặc dù để nhiệt độ thấp cỡ nào vẫn bị hiện tượng trên.
Tuy các loại thịt siêu nạc đã xuất hiện quá lâu trên thị trường Việt Nam nói chung và thị trường miền Trung nói riêng, và các loại rau nhiễm độc Trung Quốc cũng xuất hiện khá nhiều, hiện tượng các bà mẹ sinh quái thai xuất hiện, bệnh ung thư gia tăng… Nhưng các công ty chế biến thực phẩm gia súc, gia cầm vẫn hoạt động rầm rộ và chiếm hầu như toàn bộ thị phần ở Việt Nam. Có vẻ như họ được nhà nước tiếp tay để sản xuất một cách vô tội vạ!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.


Friday 27 September 2013

Bánh xèo quê tôi

Bánh xèo miền Trung

Nhóm phóng viên tường trình từ VN




Bánh xèo bình dân miền Trung
AFP photo

Nói đến bánh xèo, bây giờ ít ai còn nghĩ rằng đó là món đặc trưng của miền Trung, và không chừng, du khách sẽ nghĩ rằng đó là món ăn phổ thông của ba miền Việt Nam.
Trên thực tế, bánh xèo là món đặc trưng của dân nghèo miền Trung, và cái độc đáo của món ăn này nằm ở chỗ nơi nào càng nghèo, bánh xèo càng ngon, càng phong phú và độc đáo. Nếu như nói về bánh xèo bốn mùa người ta thường nhắc đến Quảng Ngãi và Bình Định, riêng mùa Đông, có lẽ, bánh xèo Quảng Nam là mang hồn cốt của cái nghèo và sự thi vị của nó đậm nhất.
Bà Nguyện, người bán bánh xèo lâu năm ở Đức Phổ, Quảng Ngãi cho chúng tôi biết rằng nếu nói về chủng loại, bánh xèo có đến hơn ba trăm loại bánh xèo, hiện nay, bánh xèo phổ thông nhất mà bà vẫn bán cho khách là bánh xèo tôm thịt. Đây là món rất quen thuộc của nhiều người, vừa dễ làm, vừa rẻ mà cũng khá ngon. Bánh xèo cũng chia làm ba hạng: Thượng lưu; Bình dân và Nhà nghèo.
Bánh xèo của giới thượng lưu chỉ có ở Bình Định vào thời vua Quang Trung, những người thợ nấu bếp của vị vua này biết chủ nhân của họ rất ưa món bánh xèo và ăn rất mạnh nên họ đã sáng tác ra món bánh xèo chảo. Ưu điểm của bánh xèo chảo là có thể phối hợp nhiều thứ gia vị vào chiếc bánh cùng một lần đúc để tạo ra chiếc bánh xèo ngũ cốc gồm nhiều loại bột và tổng hợp nhiều loại thịt, tôm, trứng, thậm chí là cá biển, cá sông cũng có trong đó. Bánh xèo chảo sau này đi vào các khách sạn, nhà hàng năm sao với giá từ vài đôla đến vài chục đôla mỗi chiếc.
Và ngược với tính cách của vị vua nhà võ phía Nam, ở kinh thành Huế, các đầu bếp trong cung đình cũng sáng tạo ra một loại bánh xèo khá ngon với nhiều loại bột, trong đó bột khoai lang được dùng tỉ lệ cao nhất, và nhiều loại thịt được cho vào, cùng với hai quả trứng gà so nằm trang trí giữa bánh, dân gian gọi là bánh khoái nhưng trên thực tế đó là bánh xèo chảo Bình Định biến thể để phục vụ các vua triều Nguyễn.
Về sau này, bánh xèo chảo cũng có mặt ở Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng hầu như ít ai mặn mà với loại bánh này vì nó khó làm, tốn kém nguyên liệu và công sức hơn so với những loại bánh xèo bình dân khác. Phần lớn các quán bánh xèo ở miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam chỉ xuất hiện vào mùa Đông, đến khi khí trời ấm áp, nắng ráo, tự dưng các quán biến dần, không thấy nữa.
Bà Năm, người bán bánh xèo khá lâu năm ở Duy Xuyên, Quảng Nam, chia sẻ: “Làm bánh xèo thì mệt nhưng vui. Ngày xưa, nhà nghèo, người ta bắt ốc, bắt cua đồng, hoặc cá đồng về làm bánh, thậm chí có nhà còn dùng cả củ chuối để biến thành nhưn bánh xèo, bây giờ có khá hơn, người ta làm nhưn tôm, nhưn thịt heo. Như mỗi lon gạo thường đúc được mươi đến mười lăm cái bánh, bán với giá hai ngàn rưỡi đồng, trong đó có cả tiền dầu, củi, tôm, thịt và bột, chủ yếu lấy công làm lãi sống qua mùa Đông thôi. Chứ mưa lạnh lấy chi mà sống.”
Với người Quảng Nam, bánh xèo là món ăn vừa rất gần gũi và nhắc nhớ một chút ký ức nào đó về thời nghèo khổ, hàn vi. Nếu như bây giờ, bánh xèo chỉ là món ăn lấy vui, lạ miệng thì ngày xưa, đây là món đặc sản, món quí để đãi khách, để dành cho những ngày giỗ cúng và cũng là món bồi dưỡng cho những ngày mùa Đông đói lạnh.
Món ngon bình dân
Một người đang đúc bánh xèo tại quán. RFA photo

Điểm đặc biệt của bánh xèo là món này ăn rất mau no mà lại no lâu bởi lượng dầu để đúc khá nhiều, vị béo ngậy, cộng với tôm, thịt và bột gạo. Chị Linh, đứng bán bánh xèo ở ngã ba chợ Hội An cho chúng tôi biết là món này làm tuy nhìn dễ nhưng rất tốn công. Để có được chiếc bánh xèo vừa ý, chị phải chọn gạo thơm truyền thống như gạo Xuyệt, gạo Tư Hoảnh để ngâm, sau ba canh giờ, lại manh ra xay và lấy trùng, phần lấy trùng bao giờ cũng quyết định cho ra chiếc bánh xèo ngon hay dỡ, độc đáo cỡ nào. Sau đó đến phần làm rau sống gồm cải non, chuối chát, khế, diếp cá, đọt xoài, rau húng, rau quế, xà lách và đặc biệt là bắp chuối thái nhỏ. Trong rau sống bánh xèo mà không có bắp chuối thái nhỏ thì vị ngon của nó giảm đi rất nhiều.
Chị cho biết thêm, thường, bán bánh xèo tuy rất vất vả, cực nhọc, thức khuya, dậy sớm nhưng lợi nhuận thì chẳng là bao. Trung bình, mỗi chiếc bánh xèo bán cho khách với giá hai ngàn đồng đến ba ngàn đồng bao gồm cả rau sống, nước chấm và bánh tráng, lá cải xanh để quấn bánh, chủ quán kiếm lãi cao nhất cũng chỉ chưa tới năm trăm đồng trên mỗi chiếc bánh. Và cái kiểu kiếm lãi tích tiểu thành đại, tuy lãi ít nhưng bán nhiều chiếc bánh sẽ cho ra nhiều tiền lãi cũng là một kiểu kiếm tiền rất ư Quảng Nam.
Có thể nói rằng chỉ có những vùng thiên nhiên không ưu đãi, đất thiên tai triền miên, mưa chan nắng cháy như Quảng Nam, con người mới chịu cần cù, chịu thương chịu khó để tích cóp từng đồng lẻ, dành dụm để xây nhà. Và chị Linh đưa ra nhận xét khá thú vị là chỉ có người Quảng Nam nói riêng và người miền Trung, ở những tỉnh khó khăn, hay thiên tai, người ta mới dám nghĩ đến chuyện bán vé số, nuôi heo, bán bánh xèo để xây nhà. Vì cái nhà không đơn giản chỉ để ở mà còn là nơi để trú ngụ trong mùa mưa bão, thiên tai, nên bắt buộc cái nhà phải kiên cố, vững chãi. Cũng chính vì tâm lý này, phần đông người Quảng nói riêng và người miền Trung nói chung thường có tính tiết kiệm, chịu khó và nỗ lực.
Trung bình, mỗi ngày bán bánh, chị Linh kiếm được từ 70 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng, con số kiếm được của bà Năm ở Duy Xuyên cũng tương đương. Và hình như số tiền lãi kiếm được của nhiều người bán bánh xèo tại Quảng Nam chêch lệch nhau cũng không là bao. Và đương nhiên, bánh xèo ở Quảng Nam chỉ nở rộ vào mùa Đông và lặn dần khi nắng ấm ghé đến.
Trong thời gian này, về đêm, trời mưa và lạnh, đi ra những ngã ba đường hoặc những khu chợ cũ, bất ngờ gặp những đóm lửa leo lét cháy và nghe âm thanh lèo xèo, cảm giác ban đầu hơi ớn lạnh bởi giữa nơi quạnh quẽ, vắng vẻ lại mọc lên lửa và tiếng lèo xèo, đó không phải là ma, đó là những người nghèo miền Trung đang mưu sinh, đang chăm chú quan sát bếp lửa và chiếc bánh để bán cho khách. Thậm chí, cả tương lai gia đình, con cái học tập của họ nằm trong ánh lửa bập bùng, leo lét ấy!